THÁNG 4
Chủ đề:
KỶ NIỆM 43 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM
(30/4/1975 – 30/4/2018)
Cuốn sách: “Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ”
Tác giả : Đinh Kim Phúc
|
Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ/Đinh Kim Phúc .- H.: Hội Nhà Văn ,2014 .- 179tr.; 24cm.
|
Kính thưa quý thầy, cô cùng các em học sinh thân mến!
Người Việt Nam thường gọi nơi chôn nhau cắt rốn và sinh thành của mình bằng nhiều từ rất tượng hình như: Quê hương, Quê cha, Đất mẹ, Non-Sông, Đất-Nước, Dân tộc, Quốc gia... Đó là g. đất, mảnh vườn, thửa ruộng, bờ đê, con đ., lũy tre làng, mái tranh, bếp lửa, con đường, dòng sông, cánh đồng, dãy núi... Chính Non-Sông, Đất-Nước này giao hòa với nhau không những trở thành nơi sinh sống đặc biệt của người Việt, mà còn hóa thành sự sống, thành cơm gạo, xóm làng, tình nghĩa, bản sắc của cả một dân tộc.
Tất cả là những từ mở rộng của nơi chôn nhau cắt rốn, biểu tượng của gốc rễ người dân Việt làm bằng đất đai, ruộng đồng, sông núi, bờ cõi, mồ hôi nước mắt và xương máu của biết bao nhiêu người. Và một khi hàng ngàn thế hệ nối tiếp nhau đã lấy chính mạng sống để xây đắp và bảo vệ Quê hương, Đất nước, Non sông đó, th. đương nhiên chúng trở thành linh thiêng, biểu tượng cho Quốc gia - Dân tộc.
Chính vì vậy, trong quá trình dựng Nước và bảo vệ Đất - Nước của dân tộc Việt Nam, lãnh thổ và biên giới quốc gia luôn gắn liền với tình tự Dân tộc . Suốt bao ngàn năm lịch sử, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ luôn luôn là vấn đề thiêng liêng đối với dân tộc chúng ta.
Trước hiểm họa “nước mất nhà tan” và mưu đồ thôn tính của lũ giặc Tống, Lý Thường Kiệt đã khẳng khái tuyên bố:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm!
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
Nghĩa là:
Sông núi nước Nam, vua Nam coi
Rành rành phân định ở sách Trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm!
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Từ đời Tần, mỗi khi có một họ thống nhất Trung Hoa thì lập tức liền nghĩ đến việc chiếm các nước nhỏ chung quanh. Trong quá khứ, Việt Nam nhiều lần đã là nạn nhân đau thương của “chủ nghĩa bành trướng” này, và người Trung Quốc luôn lợi dụng mọi cơ hội để thực hiện ý đồ bá quyền của họ.
Vào giữa thế kỷ XX, liền sau khi chiến thắng ở đại lục, quân đội Trung Quốc thay thế quân đội Quốc Dân đảng Trung Hoa chiếm đóng đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) năm 1956, trong khi đó Đài Loan vẫn tiếp tục thường xuyên có mặt ở đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa).
Năm 1974, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ lực, đẩy quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi quần đảo Hoàng Sa, chiếm cứ quần đảo này một cách bất hợp pháp. Hơn 10 năm sau (1988), họ lại ngang nhiên đổ bộ lên một số hòn đảo của quần đảo Trường Sa.
Sau hơn 50 năm (1956-2012) hoạt động xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong thời gian gần đây Trung Quốc lại bắt đầu một cuộc bành trướng mới, với nhiều hành động khiêu khích và đụng độ, đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Việt Nam và nền hòa bình của biển Đông. Cao điểm của những động thái mới này là việc Trung Quốc tuyên bố “ đường lưỡi bò ” ở biển Đông (chiếm 80% diện tích trên biển Đông) và nhất là quyết định của Quốc Vụ viện Trung Quốc, ngày 2 tháng 12 năm 2007, thành lập một trung tâm hành chính với tên gọi là Tam Sa ở Hải Nam để quản lý quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo khác.
Dựa trên các tư liệu cổ của Việt Nam, của các thừa sai Công giáo, của các nước phương Tây, của chính Trung Quốc, các tác giả Đinh Kim Phúc, Trịnh Khắc Mạnh, Hồ Bạch Thảo, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Đăng Vũ tiếp tục chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không có cái gọi là “Tây Sa”, “Nam Sa” trong sử liệu của Trung Quốc.
Việc nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông là một việc làm vô cùng cần thiết và khẩn thiết cho tiền đồ của dân tộc. Ngày 1/4/2010, đến thăm trung đoàn HQ 953 đóng quân trên đảo Bạch Long Vĩ và tại buổi làm việc với Bộ tư lệnh hải quân, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, Việt Nam luôn muốn cùng các nước láng giềng giải quyết các vấn đề biên giới, nhất là biên giới trên biển, bằng con đường thương lượng hòa bình.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Đối với biên giới, lãnh hải, chúng ta luôn muốn hòa bình hữu nghị giữa hai dân tộc, giữa các dân tộc có biên giới với chúng ta, đó là mong muốn của nhân dân. Có hòa bình, hữu nghị thì nhân dân mới có cuộc sống ổn định, đó là thiện chí của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Làm việc này trên cơ sở thương lượng, trao đổi, vận động, thuyết phục. Không để bất cứ ai xâm lấn bờ cõi của mình, biển đảo của mình. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm không gì lay chuyển được của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”.
Nghiên cứu chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển Đông đang trở thành một thách đố lớn lao, vì tính thời sự và tầm quan trọng của vấn đề. Đọc các bài phản biện trong tập tư liệu này chúng ta sẽ nhận ra ngay là hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Việt Nam, chứ không thể thuộc về bất cứ quốc gia nào khác. Những “bằng chứng” thuộc loại “đao to búa lớn” mà Trung Quốc thường trưng dẫn trong mấy thập niên gần đây thực ra chỉ là những “chứng cứ giả”. Trước những bằng chứng lịch sử hiển nhiên, chẳng ai có thể dễ dàng “lấy vải thưa che mắt thánh”.
Tuy chưa khai thác hết nguồn tư liệu phong phú hiện có về vấn đề biển Đông nói chung và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng, nhưng tập tư liệu này là một khởi đầu quan trọng và cần thiết để những ai quan tâm đến vấn đề tiếp tục tìm hiểu và đào sâu hơn nữa những lý chứng lịch sử, cũng như pháp lý. Hi vọng tập tư liệu này sẽ tạo ra một ý thức mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền cũng như ở biển đảo của dân tộc ta.
Thư viện xin được trân trọng giới thiệu với thầy cô và các em cuốn sách này.
Hợp Đức, ngày 3 tháng 4 năm 2018
NGƯỜI GIỚI THIỆU
Hoàng Thị Thu Hà