THÁNG 3
Chủ đề:
KỶ NIỆM 108 NĂM NGÀY QUỐC TẾ PHỤ NỮ 8/3
(8/3/1910 – 8/3/2018)
Cuốn sách: “Mẹ vắng nhà”
Tác giả : Nguyễn Thi
|
Mẹ vắng nhà/Nguyễn Thi .- H.: Kim đồng,2002 .- 171tr.; 17cm.
|
Kính thưa quý thầy, cô cùng các em học sinh thân mến!
Nguyễn Thi tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca (bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn), quê ở xã Quần Phương Thượng (nay là xã Hải anh), huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Sớm mồ côi cha từ năm mười tuổi, mẹ đi bước nữa, Nguyễn Thi phải chịu vất vả, tủi cực từ nhỏ.
Sáng tác của Nguyễn Thi thuộc nhiều thể loại như thơ, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết,... Các tác phẩm chính được sưu tầm trong cuốn Truyện và ký xuất bản năm 1978. Trong đó có những truyện nổi tiếng như Đôi bạn, Người mẹ cầm súng, Mẹ vắng nhà, Những đứa con trong gia đình,... ngoài ra ông còn có tập thơ Hương đồng nội viết năm 1950.
Cuộc đời nhiều bất hạnh, hoàn cảnh riêng đầy éo le đã tạo nên ở Nguyễn Thi một tâm hồn giàu suy tư, hiểu đời, hiểu người sâu sắc. Ông đặc biệt gắn bó với nhân dân miền Nam bằng một tình cảm thuỷ chung giàu ân nghĩa mà ông muốn trút cả vào những trang viết của mình. Có thể nói Nguyễn Thi là một nhà văn của người nông dân Nam Bộ, những con người hồn nhiên, yêu đời, bộc trực, căm thù ngùn ngụt đối với quân cướp nước. Ông là cây bút có biệt tài phân tích tâm lý con người, có khả năng nhập sâu vào nội tâm nhân vật của mình, tạo nên những trang viết vừa giàu chất trữ tình vừa đầy chất sống hiện thực, với những hình tượng, những tính cách gân guốc, có cá tính mãnh liệt.
Mẹ vắng nhà là tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Thi, được viết vào tháng 6.1966, từ chuyện có thật của mẹ con chị Út Tịch ở Trà Vinh. Đó là thế giới tuổi thơ của 5 chị em con Bé tự chăm sóc nhau ở nhà trong khi mẹ Út Tịch, một du kích nổi tiếng, phải thường xuyên xa nhà đi đánh giặc. Hình ảnh con Bé hay leo lên ngọn dừa ngóng tin mẹ rồi giả bộ làm cô giáo dạy học cho các em, dù mình chưa biết chữ, để dỗ dành các em… đọng lại trong lòng người đọc. “Con Bé chờ nghe tiếng súng nổ. Từ sáng tới giờ nó đã leo lên đó mấy lần. Bốn đứa em đứng dưới nhóng tin chị. Thằng Hiển vẫn cởi truồng, đứng giạng chân, nghiêng cổ dòm. Con Anh lớn hơn một chút, bắt chước chị, leo lên cây bình bát mé rạch, ngửa cái cổ rám nắng và cái cằm như núm cau nhóng lên. Con Thanh cao hơn con Anh một cái đầu, nhúm tóc chóp đuôi bò của nó kẹp nhóng sau gáy, nó đang ráng sức bồng thằng em út và chỉ tay lên cái bóng chị cao tít tắp trên ngọn dừa như một con chim, để dỗ em”. Những lúc đó, đàn em thường nhóng cổ lên hỏi: “Thấy má chưa chị Hai?”. Còn với lớp học thì: “Con Bé hiểu ý đàn em, nó gom tất cả lại, nói: - Bây giờ chơi đi học, nghen! Đứa nào học giỏi mai mốt má cho đi học thiệt. Thằng Hiển nhảy tưng tưng, nhúm tóc vàng hoe tròn ủm của nó phập phồng như đang thở: - Em học giỏi nghen chị, má cho em bắn chóc đùng! Con Anh giơ cái cằm núm cau ra: - Em học giỏi hơn nó, em được đi học trước - Ừ, cho đi hết. - Con Bé gật đầu với cả ba đứa”.
Sau khi viết xong câu chuyện này, năm 1968, trong đợt tổng tấn công Tết Mậu Thân, nhà văn Nguyễn Thi đã hy sinh, không kịp biết rằng Mẹ vắng nhà sau đó đã được người Nhật đón nhận như thế nào.
Ông Takeshi Matsumoto, Giám đốc Bảo tàng mỹ thuật Chihiro, viết vào tháng 8.2004 khi cuốn sách này được tái bản ở Nhật: “Mẹ vắng nhà được xuất bản năm 1972, giữa lúc cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra hết sức ác liệt, không quân Mỹ tiến hành các cuộc ném bom bừa bãi xuống miền Bắc Việt Nam… Dịch giả cuốn sách này là ông Isao Takano, phóng viên Báo Ahahata, một người Nhật Bản rất thông thạo tình hình Việt Nam khi đó. Ông Isao Takano đã mang bản dịch tiếng Nhật cuốn truyện Mẹ vắng nhà đến NXB Shin-Nihon, đề nghị họa sĩ Chihiro Iwasaki vẽ tranh minh họa cho cuốn truyện. Tất cả các nhân vật trong truyện Mẹ vắng nhà đều có thật; trong thời gian chiến tranh Việt Nam, họ sống ở giồng Tam Ngãi, một cơ sở của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc tỉnh Trà Vinh ở ĐBSCL, phía Nam Sài Gòn. Chị Nguyễn Thị Út, người mẹ thường xuyên ra mặt trận chiến đấu, vắng nhà là người anh hùng của Mặt trận Dân tộc giải phóng”.
Bà Chihiro Iwasaki, họa sĩ, đã nói tại một cuộc tọa đàm hồi tháng 9.1972: “Tôi rất vui là hôm qua đã vẽ xong tranh minh họa cho tác phẩm Mẹ vắng nhà của nhà văn trẻ Nguyễn Thi ở miền Nam Việt Nam, viết về trẻ em Việt Nam. Người mẹ thường xuyên đi đánh giặc, khi trở về với cây súng có treo chùm bánh ú. Còn ở nhà, mấy đứa trẻ cũng chơi trò đánh giặc một cách thích thú đợi mẹ về. Con chị leo lên ngọn dừa, nào có nhìn thấy mẹ đâu, nhưng nó vẫn nói với các em là “nhìn thấy mẹ”. Bọn trẻ có năm chị em, đứa lớn mới khoảng 10 tuổi. Bố của bọn trẻ cũng đi đánh giặc, vắng nhà. Câu chuyện rất hay, bọn trẻ rất hồn nhiên và dễ thương, hay cãi lộn. Đọc truyện và hình dung về những đứa trẻ, tôi cố gắng thể hiện nét mặt ngây thơ và rất dễ thương của bọn trẻ. Tôi đã xem những bức ảnh chụp trẻ em Việt Nam nấp trong các hầm trú ẩn phòng không, trong những năm tháng chiến tranh, các em trông rất dễ thương. Tôi thầm nghĩ phải cố gắng thể hiện một cách sinh động nhất những khuôn mặt ngây thơ và đáng yêu đó”.
Còn ở lời giới thiệu với bạn đọc Nhật Bản trong lần in đầu tiên, Fuki Kushida, Tổng thư ký Hội đồng Liên lạc xây dựng Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em Việt Nam, viết: “Nhân dân Việt Nam nổi tiếng lạc quan, yêu đời ngoài sự tưởng tượng của mọi người ngay cả những lúc khó khăn nhất. Đương nhiên, nhân dân Việt Nam luôn vững tin vào thắng lợi cuối cùng. Tôi tin rằng đọc cuốn truyện này, các bạn sẽ hiểu thêm nguyên nhân vì sao nhân dân Việt Nam thắng lợi. Sự dịu dàng và sức mạnh của người mẹ đã in sâu trong trái tim và truyền cho các con sức mạnh ngay cả khi “mẹ vắng nhà”. Chính tình yêu của người mẹ đã thắp sáng ngọn lửa hy vọng trong lòng mọi người dân Việt Nam”.
Hợp Đức, ngày 3 tháng 3 năm 2018
NGƯỜI GIỚI THIỆU
Hoàng Thị Thu Hà