THÁNG 1
Chủ đề:
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Cuốn sách: “Đại Việt sử ký toàn thư”
Tác giả : Nhiều tác giả
|
Đại Việt sử ký toàn thư/Nhiều tác giả .- H.: Thời đại, 2013 .- 1055tr.; 24cm.
|
Kính thưa quý thầy, cô cùng các em học sinh thân mến!
Trong các loại di sản văn hóa của dân tộc, hiện nay chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến các loại sách cổ về đất nước và con người, về văn hóa, xã hội, nhất là về lịch sử nước ta.
Đại Việt sử ký toàn thư là một thành tựu của nền văn hóa Đại Việt. Nó là một công trình biên soạn lịch sử đồ sộ của nhiều nhà sử học nổi tiếng của nước ta, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê.
Một công trình sử học được xây dựng trong bối cảnh lịch sử như thế hẳn mang hơi thở của thời đại, phản ánh được tương đối chính xác và đầy đủ thực tế hào hùng của đất nước. Và điều chắc chắn, nó là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa.
Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản vô giá của văn hóa dân tộc.
Thư viện xin trân trọng giới thiệu với tất cả thầy cô và các bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư dựa trên ván khắc năm 1697 kèm theo chú giải, sách dẫn và bản chụp nguyên văn chữ Hán.
Với hy vọng công trình xuất bản này sẽ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu giảng dạy và học tập của các em trong suốt năm học và đặc biệt là trong thời gian này chúng ta các học về văn hóa địa phương tỉnh Hải Dương.
Đại Việt sử ký toàn thư đôi khi gọi tắt là Toàn thư, là bộ quốc sử viết bằng văn ngôn của Việt Nam, viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời đại truyền thuyết Kinh Dương Vương năm 2879 TCN đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697. Nó là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.
Bộ sử bắt đầu được Ngô Sĩ Liên, một vị sử quan làm việc trong Sử quán dưới thời vua Lê Thánh Tông, biên soạn dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Hoàn thành vào niên hiệu Hồng Đức thứ 10 (1479), bộ sử mới gồm 15 quyển, ghi lại lịch sử Việt Nam từ một thời điểm huyền thoại là năm 2879 TCN đến năm 1427 khi nhà Hậu Lê được thành lập và mang tên Đại Việt sử ký toàn thư. Sau đó, dù đã hoàn thành, Đại Việt sử ký toàn thư không được khắc in để ban hành rộng rãi mà tiếp tục được nhiều đời sử quan trong Quốc sử quán sửa đổi, bổ sung và phát triển thêm. Khoảng niên hiệu Cảnh Trị đời vua Lê Huyền Tông, chúa Trịnh Tạc hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Phạm Công Trứ, sửa chữa bộ quốc sử của Ngô Sĩ Liên, đồng thời sai biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1428 đời vua Lê Thái Tổ đến năm 1662 đời vua Lê Thần Tông nhà Hậu Lê[2]. Bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, gồm 23 quyển, được đem khắc in để phát hành nhưng công việc chưa xong, phải bỏ dở. Khoảng niên hiệu Chính Hòa đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Căn lại hạ lệnh cho một nhóm văn quan, đứng đầu là Tham tụng Lê Hy, tiếp tục khảo đính bộ sử của nhóm Phạm Công Trứ, đồng thời biên soạn tiếp lịch sử Việt Nam từ năm 1663 đời vua Lê Huyền Tông đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê. Bộ quốc sử này lấy tên là Đại Việt sử ký toàn thư, theo đúng tên mà sử gia Ngô Sĩ Liêncách đó gần hai thế kỷ đã đặt cho bộ sử của ông, gồm 25 quyển, được khắc in toàn bộ và phát hành thành công vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 18 đời vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697.
Sau khi xuất bản, Đại Việt sử ký toàn thư tiếp tục được tái bản bởi các hiệu in của chính quyền và tư nhân, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, trong nhiều thế kỷ sau. Nửa cuối thế kỷ 20, ở Việt Nam xuất hiện các bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư ra chữ quốc ngữ, phổ biến nhất là bản dịch dựa trên cơ sở bản in Nội các quan bản - hiện đang lưu giữ tại thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ ở Paris, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội phát hành lần đầu năm 1993.
Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa và cũng là một bộ sử có giá trị văn học. Các bộ quốc sử sau này của Việt Nam như Đại Việt sử ký tiền biên, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục đều được biên soạn dựa trên cơ sở của Đại Việt sử ký toàn thư.
Cuốn sách hiện đã có trong thư viện nhà trường rất mong được phục vụ quý thầy cô và các em.
Hợp Đức, ngày 3 tháng 1 năm 2018
NGƯỜI GIỚI THIỆU
Hoàng Thị Thu Hà